BẪY CHUA NGỌT NGĂN NGỪA SÂU BỌ

CTY XUÂN NÔNG
Thứ Tư, 23/02/2022

Không ít loài côn trùng sau khi lột xác sang pha trưởng thành có các sản phẩm sinh dục phát triển hoàn chỉnh (đã chín sinh dục), có thể giao phối, đẻ trứng ngay được. Nhưng phần lớn các loài côn trùng khi lột xác sang pha trưởng thành có các sản phẩm sinh dục chưa phát triển hoàn chỉnh (tức là chưa chín sinh dục) và vì thế chưa thể giao phối, đẻ trứng ngay được. Những loài côn trùng này cần phải ăn thêm ở pha trưởng thành. Việc ăn thêm ở pha trưởng thành của côn trùng là cần thiết cho sự chín sinh dục của chúng. Thức ăn thêm của trưởng thành côn trùng rất đa dạng và phụ thuộc vào đặc điểm của loài. Thí dụ, trưởng thành muỗi sốt rét cần hút máu động vật máu nóng để chín sinh dục; trưởng thành các loài ruồi hại quả (họ Tephritidae) cần ăn thêm các sản phẩm thủy phân của protein để phát triển trứng; trưởng thành các loài mọt ngô, mọt gạo (họ Curculionidae) cần ăn thêm các loại hạt ngũ cốc để phát triển trứng; trưởng thành bọ xít hại thực vật cần ăn dịch cây để chín sinh dục;… Đây là cơ sở khoa học của biện pháp thủ công dùng “bẫy thức ăn” để tiêu diệt pha trưởng thành nhiều loài côn trùng hại cây nông nghiệp.

caygiongcantho.vn

“Bẫy chua ngọt” (còn gọi “bả chua ngọt”) là một loại bẫy thức ăn được áp dụng để thu hút trưởng thành các loài côn trùng ưa thích mùi vị chua ngọt và sau đó tiêu diệt chúng. Các loài côn trùng ở pha trưởng thành ưa thích mùi vị chua ngọt chủ yếu thuộc họ ngài đêm (Noctuidae, Lepidoptera).

“Bẫy chua ngọt” là hỗn hợp của các chất ngọt (thường dùng mật mía hoặc gỉ mật với tỷ lệ khối lượng là 4 phần), chất chua (thường dùng giấm với tỷ lệ khối lượng là 4 phần), rượu để tăng độ hòa tan, mùi thơm với tỷ lệ khối lượng là 1 phần) và nước (với tỷ lệ khối lượng là 1 phần). Các chất thành phần này được trộn đều với nhau, sau đó bổ sung thêm thuốc sâu (có trong danh mục thuốc được phép sử dụng ở Việt Nam) với lượng là 1% khối lượng của hỗn hợp. Hỗn hợp chua ngọt này làm xong được đựng trong chậu nhỏ/hộp nhựa có nắp đậy. Chậu nhỏ/hộp nhựa có chứa hỗn hợp chua ngọt được đặt trong một thùng nhỏ (bằng gỗ, xốp,…) có nắp che mưa và xung quanh thùng có nhiều khe hở với độ rộng đủ cho trưởng thành côn trùng (ngài đêm) bay vào để ăn hỗn hợp chua ngọt. Chậu nhỏ/hộp nhựa có chứa hỗn hợp chua ngọt ban ngày phải được đậy kín để giữ mùi thơm và tránh bốc hơi, đến buổi tối mới mở nắp đậy để thu hút trưởng thành ngài đêm. Cứ 3-4 ngày thay mới hỗn hợp chua ngọt. Bẫy thức ăn được đặt ở độ cao khoảng 1-1,2 mét (cao hơn mặt tán cây là tốt nhất).

“Bẫy chua ngọt” đơn giản, dễ áp dụng mà cho hiệu quả khá tốt không chỉ để thu hút, tiêu diệt trực tiếp trưởng thành các loài ngài đêm (sâu xám, sâu cắn gié, sâu ăn nõn ngô, sâu keo,…) mà còn có thể được sử dụng như một biện pháp phát hiện sự hiện diện hay dự báo thời gian xuất hiện pha trưởng thành (ngài) của các loài côn trùng họ ngài đêm.

Biện pháp thủ công vẫn giữ vị trí xứng đáng trong bảo vệ thực vật ở nhiều nước phát triển. Trong khi đó, ở Việt Nam, một số biện pháp thủ công và biện pháp canh tác mang tính cổ truyền đến nay vẫn giữ nguyên giá trị trong phòng chống sinh vật hại nhưng bị lãng quên do lạm dụng thuốc hóa học bảo vệ thực vật. Biện pháp sử dụng “bẫy chua ngọt” là một trong những biện pháp bị lãng quên như vậy.

Hiện nay, để phòng chống sâu keo Spodoptera frugiperda hại cây ngô người ta mới nhớ tới “bẫy chua ngọt” và tiến hành khảo nghiệm hiệu lực của “bẫy chua ngọt” đối với loài côn trùng hại này. Có khảo nghiệm đã thay thành phần “giấm” bằng “bỗng rượu” để làm “bẫy chua ngọt” và “bẫy chua ngọt” vẫn cho hiệu quả hấp dẫn trưởng thành sâu keo S. frugiperda. Từ kết quả này đã có ý kiến cho rằng việc thay thành phần “giấm” bằng “bỗng rượu” để tạo “bẫy chua ngọt” là mới. Điều này chứng tỏ đã lâu lắm rồi “bẫy chua ngọt” không được khuyến cáo, hướng dẫn sử dụng trong thực tiễn phòng chống một số loài côn trùng hại thuộc họ ngài đêm ở Việt Nam nên mới đánh giá như vậy. Đây là một sự quên lãng quá lâu. Bởi vì theo thời gian vẫn có các tài liệu về bảo vệ thực vật được xuất bản với khuyến cáo, hướng dẫn sử dụng “bẫy chua ngọt” mà trong đó có đề cập tới việc sử dụng “bỗng rượu” thay “giấm” khi làm “bẫy chua ngọt”. Cụ thể như sau:

“Một số côn trùng thuộc họ ngài đêm...rất thích mùi chua ngọt của hỗn hợp sau đây: 4 phần mật mía + 4 phần dấm + 1 phần rượu + 1 phần nước (dấm có thể thay bằng bỗng rượu, cháo khoai lang hoặc nước vo gạo để lên men)”.

“Bẫy chua ngọt Hỗn hợp bao gồm chất ngọt (thường dùng mật hoặc gỉ mật), chất chua (thường dùng giấm hoặc bỗng rượu hoặc nước vo gạo để chua), chất rượu để tăng độ hòa tan và mùi thơm, thuốc trừ sâu...”.

“Bả chua ngọt là hỗn hợp của mật mía (4 phần), dấm (4 phần), rượu (1 phần) và nước (1 phần). Dấm có thể thay bằng bỗng rượu, nước gạo đặc lên men…”.

Như vậy, việc thay thành phần “giấm” bằng “bỗng rượu” để tạo “bẫy chua ngọt” không thể coi là mới. Mong rằng sẽ không tái diễn việc đánh giá biện pháp cũ (lâu không áp dụng) thành cái mới trong các quy trình phòng chống sinh vật hại ở Việt Nam.

caygiongcantho.vn

xuân nông

CTY TNHH ĐẦU TƯ VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP XUÂN NÔNG

Địa chỉ: 21/5 Đường Võ Nguyên Giáp, Khu Vực 1, P. Hưng Thạnh, Q. Cái Răng, TP. Cần Thơ (gần chân cầu Hưng Lợi)

Địa chỉ: 352C, đường 30/4, P.Xuân Khánh, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ

Số điện thoại: 0763800763

Email: caygiongcantho.vn@gmail.com

Viết bình luận của bạn
zalo