KỸ THUẬT TRỒNG VÀ CHĂM SÓC CÂY MĂNG CỤT
CTY XUÂN NÔNG
Thứ Ba,
22/02/2022
Măng cụt (Garcinia mangostana L.) là loại cây ăn trái đặc sản ở vùng nhiệt đới, được trồng nhiều ở các nước Đông Nam Á, có phẩm chất ngon, được nhiều người ưa chuộng và có tiềm năng xuất khẩu lớn ở Việt Nam. Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ măng cụt chủ yếu là nội địa và gần đây đã xuất hiện trái măng cụt nhập từ Thái Lan, Malaysia nên tương lai không xa măng cụt Việt Nam sẽ phải cạnh tranh gay gắt về giá cả.
Kỹ thuật trồng và chăm sóc
Tùy vào môi trường, địa hình và các điều kiện tự nhiên của vùng trồng mà lên kế hoạch tính toán mật độ trồng và cách chuẩn bị đất trồng khác nhau. Mật độ trung bình cây cách nhau 7 – 10m tương ứng với 100 – 200 cây/ha.
Thông thường, ở khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long nếu trồng theo cách đắp ụ thì cần chú ý bồi ụ thật kỹ để tránh tình trạng đất bị sạt lỡ ảnh hưởng đến bộ rễ của cây. Những khu vực có địa hình thấp nên tiến hành xẻ liếp, đào mương để tối ưu khả năng thoát nước, nâng cao tầng canh tác đất để tránh ngập úng.
Quy cách hố trồng: Đào với khoảng cách từ 60 x 60 x 60cm đến 80 x 80 x 80cm. Khi làm bồn xong, bón lót 2 – 3kg phân bón hữu cơ mỗi gốc. Đảo đều với đất, tưới nước để giữ ẩm cho đất và chờ sau 20 – 30 ngày mới xuống giống sẽ giúp cây có điều kiện tốt nhất để phát triển và tăng khả năng đề kháng với sâu bệnh hại.
Cách bón phân cho cây măng cụt
Giai đoạn cây con: mỗi năm bón từ 5 – 10kg phân chuồng + NPK 15-15-15 mỗi gốc. Liều lượng phân bón:
- Năm 1: 0,3-0,5 kg/cây/năm
- Năm 2: 0,5 – 0,7 kg/cây/năm
- Năm 3: 0,7 – 1 kg/cây/năm
- Năm 4: 1 – 1,5 kg/cây/năm
Giai đoạn cây ra trái:
- Lần 1 (sau khi thu hoạch trái xong): NPK 20-5-6 kết hợp 20 – 30kg phân chuồng/cây
- Lần 2 (trước khi cây ra hoa 30 – 40 ngày): NPK 20-20-15 lượng bón 1 – 2 kg/cây
- Lần 3 (khi cây vừa đậu trái): NPK 17-7-21 lượng bón 2 – 3kg/cây
Sâu bệnh hại trên cây măng cụt
Xì mủ, sượng trái
Bệnh này thường thấy dấu hiệu trên vỏ trái măng cụt. Khi nhiễm bệnh, vỏ trái sẽ bị xì mủ, bị sượng phần ruột bên trong và không còn vị ngọt ban đầu. Thời điểm 2-3 tuần trước khi thu hoạch nếu có mưa liên tục và mưa lớn rất dễ làm bệnh này phát tán. Bệnh xì mủ làm hỏng chất lượng quả, giảm giá trị của thu hoạch và gây hại dinh dưỡng của cây.
Thán thư
Bệnh thán thư ở măng cụt thường thấy ở lá, quả và cành cây. Bệnh này bùng phát nhanh và mạnh vào mỗi mùa mưa khi có độ ẩm cao. Dấu hiệu nhận biết rất rõ rệt trên lá khi có xuất hiện những đốm đen trắng nhỏ li ti được bao bọc bởi các vòng xung quanh chính là những tế bào lá bị hỏng. Bệnh gây hại dinh dưỡng của cây.
Sâu vẽ bùa
Sâu vẽ bùa thường diễn ra từ những đợt lá còn non, giảm sinh trưởng và sức sống của cây. Loại sâu này thường gây hại khi buổi tối, vẽ và đục các đường ở lớp biểu bì lá để hút diệp lục. Lâu dần, lá bị khô hoàn toàn và mất khả năng quang hợp, bị rụng lá. Ngoài ra, cây măng cụt thường xuyên có nhiều bệnh khác như đốm rong, nhện đỏ…
CTY TNHH ĐẦU TƯ VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP XUÂN NÔNG
Địa chỉ: 21/5 Đường Võ Nguyên Giáp, Khu Vực 1, P. Hưng Thạnh, Q. Cái Răng, TP. Cần Thơ (gần chân cầu Hưng Lợi)
Địa chỉ: 352C, đường 30/4, P.Xuân Khánh, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ
Số điện thoại: 0763800763
Email: caygiongcantho.vn@gmail.com