RẦY PHẤN TRẮNG HẠI ỔI

CTY XUÂN NÔNG
Chủ Nhật, 02/01/2022

Ổi là một trong những cây ăn trái dễ trồng và nhanh cho trái. Ổi mang lại nhiều giá trị dinh dưỡng cho con người, vì vậy ổi rất được ưa chuộng và được nhiều nông dân chọn nó để canh tác. 

Trồng ổi không khó nhưng khó nhất là phòng trị sâu bệnh hại. Một vài dịch hại thường thấy trên cây ổi như bệnh đốm rong, bệnh đốm lá mắt ếch, rệp sáp, sâu đục trái, ruồi đục trái và không thể không nhắc đến dịch hại rầy phấn trắng. 

Rầy phấn trắng là một loại sâu đa thực vì ngoài ổi chúng còn gây hại trên rất nhiều loại cây ăn trái khác như: cam, quít, xoài, chuối, sa pô (hồng xiêm), đu đủ... mãng cầu xiêm, mãng cầu ta (na)...Đã có những nước phát hiện thấy chúng có mặt ở hơn một trăm loại cây trồng khác nhau. 


Con trưởng thành của loài rầy này có cánh mầu trắng dài khoảng một ly rưỡi đến hai ly, nhìn từ mặt lưng thấy hình dạng cơ thể của chúng tương đối giống hình tam giác. Khác với những loài côn trùng khác là đẻ trứng thành từng ổ, đẻ trứng thành từng hàng, hay đẻ trứng rời rạc từng quả…Rầy phấn trắng lại đẻ trứng theo một cái hình xoáy trôn ốc (ở mặt dưới của phiến lá) và được che phủ bởi những lông sáp trắng mịn .

Sau khi đẻ khoảng một tuần lễ thì trứng nở ra rầy non (ấu trùng). Rầy non có 4 tuổi, chúng tiết ra những sợi sáp trắng phủ đầy xung quanh cơ thể, những sợi sáp trắng này sẽ dài hơn khi rầy non ở vào tuổi cuối. Chính các tua sáp này đã tạo cho mặt dưới của lá có một lớp bông, phấn mầu trắng.
Cả rầy trưởng thành và rầy non đều tập trung ở mặt dưới của phiến lá để chích hút nhựa lá và dinh dưỡng, làm cho lá mất dần dinh dưỡng, từ đó ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và phát triển bình thường của cây. Nếu nặng sẽ ảnh hưởng đến năng suất và phẩm chất của trái ổi. Cũng giống như nhiều loại rầy, rệp khác, trong chất thải của rầy phấn trắng cũng có chứa chất đường mật, chất này là môi trường thuận lợi cho nấm bồ hóng (Capnodium sp.) phát triển làm giảm diện tích quang hợp của lá, từ đó ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và phát triển của cây.

Rầy phấn trắng gây hại khi trái còn non, chích hút trên cuống trái và trái. Thường tập trung với mật số cao trên các chùm trái dầy chặt, trong suốt giai đoạn phát triển của trái.

- Trên lá: Rầy phấn trắng chích hút làm lá bị quăn queo.

- Trên trái non: Trên trái non nếu mật số của rệp cao sẽ làm cho trái không phát triển được và có thể bị rụng sớm. Nếu mật số rệp thấp hoặc tấn công khi trái đã lớn thì trái vẫn tiếp tục phát triển nhưng ăn không ngon, ăn nhạt, chua.

- Trên trái đã lớn: Rệp tiết ra mật ngọt tạo môi trường thích hợp cho mấm bồ hóng (Capnodium sp.) phát triển, làm trái bị phủ một lớp bồ hóng, mầu đen bẩn, bán không được giá cao, gây thiệt hại cho nhà vườn. 

Loài rầy này ít di chuyển, chúng sống cộng sinh với kiến đen. Bằng cách kiến đen tha rệp từ nơi này sang nơi khác, từ cây này sang cây khác mỗi khi chỗ rệp đang chích hút đã cạn kiệt nhựa. Ngược lại, trong chất bài tiết của rệp có chứa nhiều chất đường mật làm thức ăn cho kiến.

Một số biện pháp được khuyến cáo phòng trị rầy phấn trắng

- Trồng cây với khoảng cách không quá dày để cây có độ thông thoáng

- Thường xuyên vệ sinh vườn, cắt bỏ những cành dư thừa và những cành bị sâu bệnh mang đi tiêu huỷ

- Nếu thấy cây đã bị nhiễm rầy nên dùng nước có áp lực cao để phun cho rầy rớt xuống sau đó dùng thuốc trị

 

 

Liên hệ: 0763 800 763 hoặc 0889 008 222

CTY TNHH ĐẦU TƯ VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP XUÂN NÔNG

352C Đường 30/4, P. Xuân Khánh, Q. Ninh Kiều, Tp.Cần Thơ

Địa chỉ: 21/5 Đường Võ Nguyên Giáp, Khu Vực 1, P. Hưng Thạnh, Q. Cái Răng, TP. Cần Thơ (gần chân cầu Hưng Lợi)

Xưởng Cơ khí nhà lưới Xuân Nông: cầu Rạch Súc, Quốc lộ 91B, KV Bình Phó A, phường Long Tuyền, quận Bình Thuỷ, TP Cần Thơ

Viết bình luận của bạn
zalo